Tranh cãi Chương trình Shuttle–Mir

Phi hành gia Jerry Linenger đang đeo mặt nạ phòng độc sau vụ cháy trên Hòa Bình năm 1997

Sự an toàn và thành quả khoa học

Những chỉ trích đối với chương trình chủ yếu liên quan đến tính an toàn của Trạm Hòa Bình cũ kỹ, đặc biệt là sau vụ hỏa hoạn và va chạm với tàu tiếp tế Tiến bộ vào năm 1997.[10]

Theo nhiều nguồn tin, đám cháy xảy ra là do sự cố của máy tạo oxy nhiên liệu rắn (SFOG) dự phòng. Thời gian cháy nằm trong khoảng từ 90 giây đến 14 phút, và đã tạo ra một lượng lớn khói độc tràn ngập khắp trạm trong 45 phút. Vì sự an toàn, phi hành đoàn buộc phải đeo mặt nạ phòng độc, nhưng một số chiếc được đeo lúc đầu đã bị hỏng. Bình chữa cháy gắn trên tường của các mô-đun thì không thể di chuyển được. Vụ hỏa hoạn xảy ra trong quá trình luân chuyển phi hành đoàn, do vậy đã có đến sáu người trên trạm thay vì chỉ ba người như thường lệ. Lối đi dẫn đến một trong những xuồng cứu sinh Soyuz đang cập bến còn bị chặn lại, khiến một nửa phi hành đoàn có nguy cơ không thể chạy thoát. Một sự cố tương tự cũng đã xảy ra trong chuyến thám hiểm trên Hòa Bình trước đó, mặc dù lúc ấy SFOG chỉ bị cháy trong vài giây.[9][10]

Các vụ va chạm và suýt va chạm đã đặt ra nhiều hơn nữa những vấn đề về sự an toàn. Cả hai đều xảy ra do lỗi của cùng một thiết bị là hệ thống ghép nối thủ công TORU, vốn đang được thử nghiệm vào thời điểm đó. Những cuộc kiểm tra được thực hiện nhằm đánh giá hiệu suất của việc ghép nối đường dài, giúp người Nga với ngân sách thiếu thốn có thể loại bỏ hệ thống ghép nối tự động đắt tiền Kurs khỏi các tàu Tiến bộ.

Sau vụ va chạm, NASACơ quan Vũ trụ Nga đã thúc giục nhiều hội đồng an toàn xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Khi cuộc điều tra tiến triển, kết quả của hai cơ quan không gian bắt đầu đi theo những hướng khác nhau. Kết luận của NASA xác định nguyên nhân là do hệ thống ghép nối TORU vì nó yêu cầu phi hành gia phụ trách cập bến Tiến bộ mà không có sự trợ giúp của bất kỳ loại phép đo từ xa hoặc hướng dẫn nào. Tuy nhiên, kết quả của Cơ quan Vũ trụ Nga đổ lỗi vụ tai nạn là do phi hành đoàn, đồng thời cáo buộc phi hành gia của họ đã tính sai khoảng cách giữa tàu Tiến bộ và trạm vũ trụ.[51] Kết luận này từ Roscosmos vấp phải chỉ trích nặng nề, ngay cả bởi chính phi hành gia của họ là Tsibliyev, người bị họ đổ lỗi. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi trở về Trái Đất, nhà du hành vũ trụ đã bày tỏ sự tức giận và không đồng tình bằng cách tuyên bố: "Ở Nga có một truyền thống lâu đời là tìm kiếm vật tế thần."[52]

Các vụ tai nạn cũng làm tăng thêm sự chỉ trích ngày càng lớn về độ tin cậy của trạm không gian lâu năm này. Phi hành gia Blaine Hammond tuyên bố rằng những lo ngại về an toàn của ông đối với Hòa Bình đã bị các quan chức NASA phớt lờ, và hồ sơ về những cuộc họp an toàn "đã biến mất khỏi một căn hầm bị khóa".[53] Trạm Hòa Bình ban đầu được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, nhưng cuối cùng đã bay được gấp ba lần khoảng thời gian đó. Trong Phase One cũng như các giai đoạn về sau, trạm xuất hiện nhiều dấu hiệu cũ kỹ—máy tính liên tục gặp sự cố, mất điện, nhào lộn không kiểm soát trong không gian và đường ống rò rỉ là những mối lo ngại thường trực đối với các phi hành đoàn. Nhiều sự cố xảy ra trong hệ thống tạo oxy Elektron của Hòa Bình cũng là một mối lo ngại. Những sự cố này khiến các đội bay ngày càng phụ thuộc vào hệ thống SFOG đã gây ra vụ cháy năm 1997. Các hệ thống SFOG tiếp tục là một rắc rối trên ISS.[9]

Một vấn đề gây tranh cãi khác là thành quả khoa học thu được thực tế từ chương trình, nhất là sau tổn thất của mô-đun Spektr. Các phi hành gia, các nhà quản lý và giới báo chí đều phàn nàn rằng lợi ích của chương trình này đã bị đè bẹp bởi những rủi ro liên quan, đặc biệt khi xét đến thực tế là hầu hết các thí nghiệm khoa học của Hoa Kỳ đều được chứa trong mô-đun đã bị thủng ấy. Do đó, một lượng lớn nghiên cứu của Mỹ không thể tiếp cận được, làm giảm khả năng thực hiện khoa học.[54] Các vấn đề về tính an toàn khiến NASA phải xem xét lại tương lai của chương trình vào nhiều thời điểm. Cơ quan này cuối cùng vẫn quyết định tiếp tục dự án và đã bị nhiều phương tiện báo chí chỉ trích về lựa chọn đó.[55]

Quan điểm

Quan điểm của chương trình không gian Nga và NASA đối với Phase One cũng đồng thời là mối lo ngại cho các phi hành gia có liên quan. Do những vấn đề tài chính của Nga, nhiều nhân viên tại TsUP cảm thấy rằng phần cứng sứ mệnh và việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Hòa Bình còn quan trọng hơn mạng sống của các phi hành gia trên trạm. Do đó, chương trình này được vận hành rất khác so với các chương trình của Mỹ: phi hành gia được lên kế hoạch chi tiết cho các ngày của họ đến từng phút, những hành động (chẳng hạn như ghép nối) vốn được thực hiện thủ công bởi các phi công tàu con thoi đều được tiến hành tự động, và phi hành gia sẽ bị trừ lương nếu họ mắc bất kỳ sai sót nào trong chuyến bay. Người Mỹ đã học được trên Skylab và các nhiệm vụ không gian trước đó rằng mức độ kiểm soát này không hiệu quả và từ đó sẽ khiến các kế hoạch sứ mệnh trở nên kém nhất quán hơn. Tuy nhiên, phía Nga vẫn không thay đổi, và nhiều người nhận thấy điều này đã làm mất đi đáng kể thời gian làm việc.[9][56]

Sau hai vụ tai nạn vào năm 1997, phi hành gia Jerry Linenger cảm nhận chính quyền Nga đã cố gắng che đậy để hạ thấp tầm quan trọng của sự cố vì lo sợ người Mỹ sẽ rút khỏi mối quan hệ đối tác. Phần lớn "sự che đậy" chính là ấn tượng bề ngoài rằng các phi hành gia Mỹ thực tế không phải "đối tác" trên trạm mà thay vào đó chỉ là "khách mời". Nhân viên NASA đã không hay biết gì về vụ cháy và vụ va chạm trong vài giờ đồng hồ, và họ nhận thức rằng bản thân không được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. NASA bắt đầu can dự nhiều hơn sau khi những người điều khiển sứ mệnh của Nga có ý định đổ lỗi hoàn toàn cho Vasily Vasiliyevich Tsibliyev về vụ tai nạn. Chỉ sau khi có áp lực đáng kể từ cơ quan Mỹ, thái độ này mới được thay đổi.[9][10]

Vào nhiều thời điểm khác nhau trong chương trình, các nhà quản lý và nhân sự của NASA cảm thấy họ đang bị hạn chế về tài nguyên cũng như nhân lực, đặc biệt là khi Phase Two được chuẩn bị và có một giai đoạn khó khăn trong việc xác định tương lai với cơ quan quản lý NASA. Một khía cạnh cụ thể gây nên sự lục đục chính là việc phân công phi hành đoàn đi làm nhiệm vụ. Nhiều phi hành gia cho rằng phương pháp tuyển chọn đã ngăn cản những người có kỹ năng hàng đầu đảm nhiệm vai trò phù hợp nhất với họ.[9][10][57]

Tài chính

Kể từ khi Liên Xô tan rã vài năm trước đó, nền kinh tế Nga dần suy sụp dẫn đến ngân sách dành cho thám hiểm không gian giảm khoảng 80%. Trước và sau Phase One, phần lớn nguồn tài chính không gian của Nga đến từ những chuyến bay của các phi hành gia châu Âu và nhiều quốc gia khác, trong đó một đài truyền hình Nhật Bản đã trả 9,5 triệu đô la để đưa phóng viên của họ là Akiyama Toyohiro lên Trạm Hòa Bình.[9] Khi bắt đầu Phase One, các phi hành gia thường xuyên nhận thấy thời lượng nhiệm vụ của họ được kéo dài ra nhằm tiết kiệm tiền mua bệ phóng, sáu chuyến bay mỗi năm của tàu Tiến bộ đã bị giảm xuống còn ba chuyến, và có một khả năng dễ nhận thấy là Hòa Bình được bán với giá khoảng 500 triệu đô la Mỹ.[9]

Những người chỉ trích cho rằng hợp đồng trị giá 325 triệu đô la Mỹ mà NASA ký với Nga là điều duy nhất giúp chương trình không gian của nước này tồn tại, và chỉ có tàu con thoi mới giữ được Trạm Hòa Bình ở trên quỹ đạo. NASA cũng phải trả những khoản phí khổng lồ cho sách hướng dẫn đào tạo và thiết bị được sử dụng trong quá trình huấn luyện phi hành gia tại Star City.[10] Vấn đề nảy sinh khi chương trình Nightline của đài ABC tiết lộ rằng có một khả năng rõ ràng là chính quyền Nga đã biển thủ số tiền của Mỹ để xây dựng một dãy nhà mới dành cho phi hành gia ở Moskva, hoặc nếu không thì các dự án xây dựng trên đã được tài trợ bởi xã hội đen Nga. Trưởng quản lý NASA Goldin được mời tham gia chương trình Nightline để bào chữa cho các ngôi nhà, nhưng ông đã từ chối đưa ra bình luận. Một trích dẫn từ Văn phòng đối ngoại của NASA nói rằng "Những gì Nga làm bằng tiền của họ là việc của họ."[9][58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình Shuttle–Mir https://web.archive.org/web/20011116160227/http://... https://web.archive.org/web/20230516110009/https:/... https://web.archive.org/web/20110721083656/http://... https://web.archive.org/web/20011116155733/http://... https://web.archive.org/web/20011113225550/http://... https://web.archive.org/web/20041117163319/http://... https://web.archive.org/web/20090907191412/http://... https://web.archive.org/web/20181224003836/https:/... https://web.archive.org/web/20190523041156/https:/... https://web.archive.org/web/20091003032520/http://...